Nông dân phát triển kinh tế “nhờ” làm du lịch

Người nông dân ở Quảng Ngãi chỉ quen cảnh ruộng vườn, chân lấm tay bùn thì giờ đã biết làm du lịch. Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp góp phần tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời khai thác những lợi thế về nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên của địa phương.
 
Nông dân phát triển kinh tế “nhờ” làm du lịch
Du khách tham quan vườn trái cây của anh Nguyễn Văn Triều, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành

Huyện Nghĩa Hành được xem là thủ phủ trái cây của tỉnh Quảng Ngãi, diện tích hơn 790 ha, với các loại cây chủ lực: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, chuối ngự, mang lại thu nhập cho người dân khoảng 100-250 triệu đồng/ha/năm. Tận dụng lợi thế về trồng cây ăn quả của quê hương, sau nhiều năm bôn ba ở xứ người anh Nguyễn Văn Triều (SN 1984) xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành đã về quê khởi nghiệp với mô hình trồng trái cây sạch kết hợp phát triển du lịch sinh thái vườn. 

Anh Triều cho biết, vườn cây ăn trái của anh có vú sữa hoàng kim, sầu riêng, cam, quýt, mít thái trước đây chủ yếu bán sản phẩm qua thương lái. Từ khi tham gia liên kết cùng với HTX Nông nghiệp-Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành (xã Hành Nhân), mô hình bước đầu đã đem hiệu quả tích cực khi đón tiếp những đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. 
 
Nông dân phát triển kinh tế “nhờ” làm du lịch 2
Các hộ trồng cây ăn quả ở xã Hành Nhân kết nối với nhau cùng làm du lịch

“Những hộ nông dân trồng cây ăn quả kết nối với nhau cùng cho du khách đi tham quan, thưởng thức các loại trái cây. Đây được xem là kênh kết nối làm du lịch, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trái cây của địa phương. Hiện tại, vườn trái cây ở xã Hành Nhân chúng tôi được khá nhiều du khách biết đến”, anh Triều chia sẻ.

Kể từ khi đầm An Khê tạo nên được dấu ấn trên “bản đồ” du lịch của tỉnh, các chị em làm nghề chài lưới ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ có thêm nghề mới và thu nhập đáng kể. Hiện có khoảng 10 chị em sống gần đầm An Khê đã nhận chở thêm du khách tham quan. Vào những tháng mùa nắng, nhất là từ tháng 5 - 8, mỗi chị em nhận chở du khách đi tham quan có thêm nguồn thu nhập từ 100 - 500 nghìn đồng/ngày. 
 
Nông dân phát triển kinh tế “nhờ” làm du lịch 3
Chị em sống gần đầm An Khê có thu nhập từ chở du khách tham quan

Với kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó với nghề chài lưới trên đầm An Khê, bà Nguyễn Thị Xị (56 tuổi) ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ trở thành người lái đò đáng tin cậy của du khách khi đến tham quan tại đây. Theo bà Xị, thời gian gần đây, đầm An Khê thu hút rất đông khách du lịch, nhất là trong dịp hè. Bình quân mỗi ngày, bà chở từ 5 - 7 lượt đoàn khách tham quan.

“Thấy đầm An Khê trở thành địa điểm thu hút khách tham quan, chúng tôi vui và quý trọng lắm! Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi đều hướng dẫn, giới thiệu và đưa du khách tìm hiểu thêm những địa điểm có cảnh sắc đẹp của quê hương như bãi Dừa, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ. Chúng tôi mong mọi người khi đến tham quan đầm An Khê đều vui vẻ, hài lòng và sẽ quay trở lại, vậy nên chúng tôi luôn lấy chân tình để đối đãi. Còn về tiền bạc, du khách đưa bao nhiêu thì chúng tôi nhận chứ không đòi hỏi và không bao giờ lấy trên 100 nghìn đồng/chuyến”, bà Xị chia sẻ.
 
Nông dân phát triển kinh tế “nhờ” làm du lịch 4
Du khách được trải nghiệm, thích thú tham quan ở miền quê

Anh Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành cho biết, HTX có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân trong thôn làm du lịch cộng đồng. Hiện HTX đang tạo ra các sản phẩm du lịch mới và làm homestay để thu hút du khách. “Mỗi đoàn khách đến tham quan ở vườn trái cây HTX trả cho chủ vườn 400 – 500 ngàn đồng, nếu chủ vườn làm hướng dẫn viên thì sẽ có khoản thu thêm. Còn đối với những nghệ nhân hướng dẫn, trải nghiệm làm bánh trả 300 – 400 ngàn đồng/ buổi, ngoài trả công nghệ nhân họ còn bán được sản phẩm cho du khách. Cao điểm mùa du lịch hiện nay bình quân những hộ tham gia làm du lịch thu nhập từ 4-5 triệu/tháng”, anh Nam cho hay.

Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Hiện nay, có khoảng 5 HTXNN tham gia vào du lịch nông thôn. Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND Quy định một số nội dung, mức chi, hỗ trợ kinh phí sự nghiệp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung: hỗ trợ du lịch nông thôn (70% kinh phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/huyện miền núi; 50% kinh phí nhưng không quá 3 tỷ đồng/huyện còn lại). Đây cũng chính là cơ sở để các HTX, doanh nghiệp xây dựng các điểm du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
 
Nông dân phát triển kinh tế “nhờ” làm du lịch 5
Vùng nông thôn Quảng Ngãi sẽ là điểm du lịch lý tưởng

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, hiện nay ở các địa phương bước đầu đã hình thành du lịch ở nông thôn du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Như ở Nghĩa Hành, Đức Phổ, Lý Sơn… Sở triển khai tập huấn, tuyên truyền cho những địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng để tạo bước đi mới trong phát triển du lịch toàn tỉnh. Tập trung thực hiện tốt đề án chương trình đặc biệt của các sở, ngành như Sở NN&PTNT, Ban dân tộc miền núi và các sở đã phân bổ nguồn vốn theo đề án của tỉnh. Tuyên truyền cho người dân hiểu về du lịch cộng đồng, nông thôn. Đó là xu hướng phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập bền vững cho người nông dân.

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây