Mùa “săn” nhum biển

Từ tầm sáng sớm đến 16 giờ mỗi ngày, khu vực các gành đá gần bờ vùng biển Quảng Ngãi có rất đông ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển. Nghề săn nhum cũng chính là “cần câu cơm” của người dân nơi đây. Nhum với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được du khách ưa thích.
 
Mùa “săn” nhum biển
Khu vực các gành đá gần bờ vùng biển Quảng Ngãi là nơi ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển

Dưới cái nắng gay gắt, làn nước ở vùng biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) trở nên trong vắt đến lạ thường. Ngư dân Nguyễn Văn Tỵ cùng với những trang thiết bị và ngư cụ như lưới, dàn câu giống như để đánh bắt các loại hải sản tôm, cá khác ra khu vực gành đá nằm cách bờ 20-50m, với mực nước sâu từ 3-5m để săn bắt nhum biển. Ngư dân Tỵ chia sẻ, dụng cụ để “săn” nhum biển khá đơn giản, gồm: 1 đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4-0,6m với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn là có thể hành nghề. Sau khi bơi, lặn dọc theo các gành đá phát hiện thấy nhum biển, ngư dân chỉ cần dùng móc sắt móc vào và đưa lên bỏ vào giỏ đựng.

“Nghề lặn nhum dù ít nguy hiểm hơn các nghề biển khác nhưng vất vả, cả ngày dầm dưới nước, ăn nghỉ đều ở trên biển. Làm giàu thì khó nhưng bù lại, nó cũng giúp ngư dân có thêm thu nhập để lo cho gia đình...”, ngư dân Tỵ thổ lộ.
 
Mùa “săn” nhum biển
Săn bắt nhum cách bờ 20-50m, với mực nước sâu từ 3-5m 

Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, việc săn bắt nhum có thể diễn ra quanh năm, trừ những khi biển động, sóng to và nước đục. Thế nhưng thời gian săn bắt chính vụ hàng năm ở đây thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8”. Với thâm niên hơn chục năm trong nghề “săn” nhum, ngư dân Thái Văn Cường ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải cho biết, những năm trước việc đi bắt nhum của người dân trong vùng chủ yếu là mang về chế biến để cải thiện cho bữa ăn của gia đình. Vì vậy số lượng bắt chỉ một vài kg là thôi, nên nhum rất nhiều. Tuy nhiên gần đây khi thắng cảnh Gành Yến, xã Bình Hải thu hút khách du lịch tham quan, nhum với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Vì vậy người tham gia bắt ngày một đông dẫn đến lượng nhum đã giảm đi đáng kể.

“Mùa này trời còn đẹp, thường thì lặn 1,5 - 2 tiếng thì lên thúng nghỉ rồi lại tiếp tục, chứ tầm tháng giêng, tháng hai thì trời lạnh lắm, chỉ lặn 30 - 40 phút chứ không thể lặn lâu. Thúng có 3 người luân phiên, 2 người lặn, người kia phụ trách việc nhum đầy vợt thì đưa lên thúng. Làm nhum không đi một mình được đâu. Mỗi thúng có 5, 6 người, phụ nữ thì ở trong bờ chặt nhum lấy thịt, đàn ông thì đi lặn. Sáng đi, chiều về”, ngư dân Cường nói.
 
Mùa “săn” nhum biển 3
Thúng đi săn nhum của ngư dân Cường (bên phải hình) vừa vào bờ 

Nhum con thoạt nhìn khá giống trái chôm chôm, màu đen sẫm, khi trưởng thành có hình tròn, đường kính khoảng 8 - 10cm, dày 3 - 4cm, thân nhum phủ đầy gai nhọn dài 3 - 4cm, khi di chuyển có thể phóng gai. Để thu được khoảng 5 tạ nhum một ngày, tương đương 20 - 25kg thịt nhum, trung bình 3 anh em trên thúng ngư dân Cường mỗi người phải lặn mất 6 tiếng. Mỗi ngày, thúng vào bờ 2 đợt để cho nhóm phụ nữ chặt, xử lý, lấy thịt nhum. Mỗi ký thịt nhum bán ra khoảng 200.000 - 250.000 đồng, mang lại khoản thu nhập kha khá cho các thành viên.
 
Mùa “săn” nhum biển 4
Nhum vừa được khai thác 

Như được thiên nhiên ưu đãi, từ bao năm qua, khu vực các gành đá ven bờ biển xã Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ) trở thành nơi cư ngụ, sinh sôi của loài nhum. “Lộc biển” này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà một số người ở vùng khác cũng tìm đến khai thác. 

Nhiều năm nay, cứ vào mùa nhum, người dân ở thôn Châu Me, xã Phổ Châu lại rủ ra gành đá để săn tìm. Nhum sau khi bắt lên bờ sẽ được dùng dao để tách làm đôi, sau đó nạo phần ruột ra và vứt phần vỏ. Để có thịt nhum ngon, việc tách ruột nhum cũng cần phải chuyên nghiệp, vì chỉ cần sơ sẩy tí chút, thịt lẫn với ruột và gân máu thì khi chế biến sẽ rất tanh, dễ bị thâm đen, hư thối.
 
Mùa “săn” nhum biển 5
Nhum sau khi bắt lên bờ sẽ được dùng dao để tách làm đôi

Ngoài các cách chế biến thông thường là ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển xã Phổ Châu còn chế biến thành mắm nhum - một đặc sản nức tiếng gần xa. Thịt nhum sau khi làm sạch được cho vào bát, cứ 1kg thịt nhum sẽ cho 100gram muối hột vào trộn đều, sau đó bỏ hỗn hợp vào chai. Sau 7 ngày có thể thưởng thức thành phẩm mắm nhum. Mắm nhum ở xã Phổ Châu có màu đỏ nhạt, đặc sệt, vị đậm đà. Bởi vậy, từ bao đời nay, mắm nhum nơi này luôn hấp dẫn thực khách tứ phương.
 
Mùa “săn” nhum biển 6
Cách chế biến nhum thông thường là ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển xã Phổ Châu còn chế biến thành mắm nhum - một đặc sản nức tiếng gần xa

Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu sử dụng tên địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mắm nhum Sa Huỳnh”. Đây là tín hiệu vui, là cơ hội để thương hiệu mắm nhum ngày càng phát triển. Theo ông Nguyễn Hoành Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu, thời gian qua, mắm nhum ở địa phương được tiêu thụ mạnh. Bình quân mỗi lít mắm nhum có giá dao động từ 350 - 400 nghìn đồng. Mắm nhum ngon, nhưng lại chưa xây dựng thương hiệu. Vì vậy, HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu đề xuất dùng tên địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký tên bảo hộ nhãn hiệu tập thể ở địa phương, nhắc đến Sa Huỳnh thì người dân khắp nơi đều biết. 

“Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, logo, nhãn hiệu và sẽ hướng dẫn người dân các bước thực hiện dán nhãn mác để nâng tầm sản phẩm “Mắm nhum Sa Huỳnh” của địa phương, khẳng định được giá trị, chỗ đứng trên thị trường. Cùng với việc khai thác, cũng cần tính đến việc bảo vệ loài nhum biển, tránh bị tận diệt. Sắp tới, HTX sẽ nghiên cứu, xây dựng các tổ đội khai thác, bảo quản và nuôi trồng nhum, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức. Có như thế mới bảo vệ và duy trì nguồn lợi này lâu dài”, ông Nguyễn Hoành Sơn bày tỏ.

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây