Di sản Văn hóa Sa Huỳnh và đầm An Khê

“Trải nghiệm không gian văn hóa tiền sử”
Sa Huỳnh (dải cát vàng) là địa danh nổi tiếng thuộc thị xã Đức Phổ, cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 60 km về phía Nam, chứa đựng nhiều bí ẩn ngàn đời. Địa danh Sa Huỳnh được các nhà khoa học dùng đặt tên cho nền văn hóa thời tiền sử có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 – 3.000 năm trước. Bởi vì, Sa Huỳnh là nơi đầu tiên phát lộ nền văn hóa cổ này vào năm 1909. Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa lớn của Việt Nam: Sa Huỳnh – Đông Sơn – Óc Eo. Các tư liệu khoa học khảo cổ, địa chất...đã cho thấy Sa Huỳnh thời tiền sử là mảnh đất vàng để con người cư ngụ, phát triển lâu đời, tạo ra di sản địa văn hóa mang tầm quốc tế. Ngày nay, quần thể di tích khảo cổ, di tích văn hóa – lịch sử gắn với đầm nước ngọt An Khê đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt và được tỉnh Quảng Ngãi định hướng trở thành di sản văn hóa thế giới.

Nếu như các nền văn hóa cổ chỉ còn được kể lại qua sách vở hay hiện vật, di tích khảo cổ thì nền văn hóa Sa Huỳnh còn đang hiện hữu sống động xung quanh “trái tim” là đầm nước ngọt An Khê (thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ). Đây là đầm nước ngọt hiếm có tại Việt Nam cách bờ biển khoảng 50 m. Các hoạt động địa chất mạnh mẽ hàng trăm triệu năm trước đã tạo ra đầm nước ngọt quý giá và sinh cảnh tự nhiên trù phú. Điều kiện thiên nhiên thuận lợi đã giúp cho cư dân cổ Sa Huỳnh cư trú, phát triển lâu đời trên dải cát vàng thơ mộng. Rừng núi, biển cả, đầm – bàu, động cát trải dài với nguồn lợi thủy - hải sản, lâm - thổ sản phong phú là điều kiện lý tưởng cho người tiền sử sinh sống hàng ngàn năm. Ngày nay, các lớp văn hóa Chăm Pa, Đại Việt nối tiếp văn hóa cổ Sa Huỳnh, nhưng không gian văn hóa ấy vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Điểm khác biệt của văn hóa Sa Huỳnh chính là các cộng đồng sinh sống quanh đầm An Khê. Hoạt động sống của người Sa Huỳnh nay cũng chẳng khác xưa nhiều. Họ vẫn làm gốm thủ công; trồng lúa nước ven đầm An Khê; đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ, thô sơ; làm muối biển; canh tác nông nghiệp trên ruộng bậc thang xếp bằng đá...Nông dân, ngư dân, diêm dân, thợ thủ công đều có cả. Hơn thế, dù sống trong thời kỳ hiện đại hóa nhưng cộng đồng bản địa vẫn giữ chất quê đơn thuần, đôn hậu và mến khách. Sản phẩm “Du lịch cộng đồng trải nghiệm không gian văn hóa Sa Huỳnh” sẽ giúp du khách “quay về” thời tiền sử bằng những tương tác với thiên nhiên và hoạt động của người dân sống quanh khu vực đầm An Khê, đặc biệt là nghề làm gốm và làm muối Sa Huỳnh. Nghề làm muối, làm gốm, đi biển, làm nông là đặc trưng sinh tồn của người tiền sử Sa Huỳnh, cũng là sinh kế của người dân hiện nay tại địa phương. Trải nghiệm tất cả các hoạt động gắn với thiên nhiên và con người bản địa, du khách sẽ được chìm đắm trong không gian tiền sử, cảm nhận tri thức của người cổ Sa Huỳnh.

Đến với không gian di tích cấp quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh có phạm vi rộng, trong đó nổi bật về du lịch cộng đồng phải kể đến làng Gò Cỏ (sản phẩm OCOP 3 sao). Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, góp phần phát triển du lịch cộng đồng nói riêng và kinh tế nông thôn nói chung. Người dân sống trong vùng di sản đa phần là nông dân, ngư dân, diêm dân,… Do đó, du lịch cộng đồng trải nghiệm không gian văn hóa Sa Huỳnh sẽ được nhận diện bằng mạng lưới các điểm du lịch như làng muối, làng gốm, làng Gò Cỏ và nhiều ngôi làng khác theo chất lượng OCOP.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây