Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện

Làng gốm cổ Mỹ Thiện ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nổi tiếng một thời ở miền Trung Việt Nam với những sản phẩm gốm hết sức độc lạ. Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (58 tuổi) là người duy nhất còn đam mê và giữ lại nghề gốm của nơi này.

 
Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh là người duy nhất còn gìn giữ nghề làm gốm Mỹ Thiện

Giữ lửa nghề gốm

Trước kia làng làm gốm Mỹ Thiện có hơn 30 hộ, thế nhưng bây giờ không còn hưng thịnh như ngày xưa, nhiều người đã bỏ nghề vì sự vất vả, nhọc nhằn, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh trên thị trường. Nghệ nhân Trịnh đã bao lần thao thức, trăn trở với việc bỏ hay giữ lại cái nghề của làng, của cha ông mỗi khi phải đối mặt với những khó khăn, túng thiếu. Nhưng rồi ông tự động viên mình phải cố sống với nghề, phải làm sao giữ được cái nghề truyền thống. “Cả làng gốm Mỹ Thiện từ nhiều năm nay chỉ còn một mình tôi giữ nghề, nhưng các sản phẩm tôi làm và bán ra thì ai cũng gọi là gốm Mỹ Thiện. Vì thế tuy mình có khổ, nhưng cái tên làng nghề của mình còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay là tôi hạnh phúc”, ông Trịnh thổ lộ.
 
Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện 2
Sản phẩm gốm Mỹ Thiện

Các sản phẩm của gốm Mỹ Thiện chủ yếu là đồ gia dụng như: chum, ghè, các loại vò, ché, bình vôi, hũ, thạp, ấm trà, bình hoa, tượng động vật…Trong đó có một số sản phẩm được tráng men như: bình hoa, bình vôi, tượng động vật, ấm trà, ché đựng rượu… Men gốm Mỹ Thiện có màu từ tím đậm đến tím nhạt, vàng, vàng ngã sang xanh ngọc.  Sự sinh động của hoa văn như hình rồng, phụng, chuột, hoa, lá, 12 con giáp...

Gia đình nhiều đời làm nghề gốm nên ông Trịnh quyết không để lò gốm của nhà mình tắt lửa. Ông chuyên tâm học hỏi các kỹ thuật làm gốm thủ công từ cha mình là cụ Đặng Thạnh, một nghệ nhân có tiếng của làng gốm Mỹ Thiện. Duyên số hơn, bà Phạm Thị Thu Cúc (vợ ông Trịnh) cũng xuất thân trong gia đình truyền thống làm gốm nên cùng nhau nuôi chí phục hồi gốm Mỹ Thiện. 
 
Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện 3
Công đoạn làm men gốm là phương thức bí truyền của gia đình

Nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc cho hay, tạo hình nhiều công đoạn, với những hàng nhỏ, người ta chỉ lên 1 - 2 tầng thôi. Những chum đựng muối, mắm tới 50 - 100 lít có tới 5 - 6 công đoạn. Khó nhất là ở kỹ thuật ráp thân trên, thân dưới với nhau. Người thợ gốm cần phải biết khi nào thì vừa đủ độ chín để sản phẩm lấy ra không vỡ. “Gốm Mỹ Thiện vẫn giữ nét xưa, làm gốm theo nét cổ điển như ông bà đã làm. Công đoạn làm men gốm rất quan trọng, phần men gốm được hòa trộn thủ công bằng cách lấy đá son, đất trắng, đất sét, say nhuyễn, pha với nhau để làm màu cho gốm”, bà Cúc nói.
 
Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện 4
Nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc bên mẻ gốm đã nung qua một lần lửa

Tên tuổi gốm Mỹ Thiện dần được phục hồi trong làng gốm sứ Việt Nam. Đặc biệt, để chinh phục những khách hàng khó tính, họ còn tìm cách phục hồi công thức pha chế men gốm cổ truyền từ đá núi trong vùng. “Một trong những nét độc đáo của gốm tráng men Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc, lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung và màu sắc của sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ. Nhìn vào lớp men gốm có thể thấy được kỹ thuật điêu luyện và sự tài hoa của người làm gốm đạt đến giới hạn nào”, ông Trịnh chia sẻ. 

Nhờ đôi bàn tay tài hoa và công sức phục hồi làng gốm truyền thống Mỹ Thiện, năm 2016, ông Trịnh đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
 
Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện 5
Du khách tham quan cơ sở sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Trịnh

Xây dựng gốm Mỹ Thiện là điểm du lịch

Để góp phần phát huy làng nghề truyền thống gốm cổ Mỹ Thiện gắn với phát triển du lịch, mới đây, dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, do Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Qũy Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) và UBND huyện Bình Sơn khởi động thực hiện, đã tạo nên sự kết nối hoạt động du lịch học tập các điểm Bàu Cá cái - Gành Yến – Rừng Dừa nước – gốm Mỹ Thiện với mạng lưới Lý Sơn, Sa Huỳnh, TP Quảng Ngãi. Đây sẽ là cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm của gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, với mong muốn quảng bá hơn nữa làng nghề này.

Nghệ nhân Trịnh cho hay, khách du lịch tìm đến cơ sở gốm của gia đình ông để trải nghiệm làm gốm ngày càng nhiều. Nhiều đoàn xuống thăm quan, tìm cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông, với mong muốn quảng bá hơn nữa làng nghề này. Ông Trịnh cũng được nhà nước hỗ trợ xây dựng một nhà trưng bày để trưng bày các mặt hàng, phòng trải nghiệm làm gốm. “Mỗi năm, tôi lại già đi nhưng con cái không ai nối nghiệp. Thế nên tôi cố gắng làm nhà trưng bày và tạo điều kiện cho mọi người đến học nghề để giữ nghề truyền thống”, ông Trịnh bộc bạch.
 
Độc đáo gốm cổ Mỹ Thiện 6
Thị trường rất ưa chuộng sản phấm gốm do gia đình nghệ nhân Trịnh làm ra

Điều đáng mừng là những sản phẩm gốm do gia đình nghệ nhân Trịnh làm ra như chum, ché, độc bình men… đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Bình Sơn, được thị trường rất ưa chuộng. Một khi làng gốm Mỹ Thiện thu hút được du khách, phát triển du lịch làng nghề thì những sản phẩm men gốm độc đáo vốn có tuổi đời 200 năm sẽ thoát khỏi nguy cơ bị mai một.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư chia sẻ: “Gốm Mỹ Thiện nếu mai một sẽ là điều tiếc nuối. Gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh vẫn đang cố gắng gìn giữ nghề truyền thống này. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ lâu dài cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Chúng ta phải tìm cách gầy dựng, liên kết được thêm nhiều hộ lành nghề gốm, cùng với hộ ông Trịnh mở rộng quy mô sản xuất, thì đây sẽ là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn”.

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây