Có một điều đặc biệt từ hiện tượng Bình Châu

Những con tàu cổ chở đầy gốm sứ, chìm sâu trong lòng biển Đông trên địa phận Quảng Ngãi đã được phát hiện, khai quật và nghiên cứu. Đặc biệt là vùng biển Vũng Tàu thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn từ những thập niên 90 của thế kỷ trước đã phát hiện nhiều dấu tích tàu cổ đắm.
 
Có một điều đặc biệt từ hiện tượng Bình Châu
 Tiền cổ và gốm sứ được tìm thấy ở tàu đắm tại Quảng Ngãi

Mới đây nhất, vào giữa tháng 5.2023, lực lượng biên phòng tỉnh thu giữ 40 bát đĩa cổ niên đại 600 năm trước, do ngư dân tìm thấy dưới độ sâu 60m tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Gốm sứ thu hồi gồm đồ celadon men ngọc vẽ ám họa và vẽ ánh vàng trên men, men xanh trắng vẽ hoa lam phân ô. Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, đến nay có một điều duy nhất đặc biệt của Việt Nam đó là hiện tượng Bình Châu với hàng loạt tàu cổ đắm nằm gần bờ đã khai quật 2 chiếc, còn lại 1 chiếc chuẩn bị khai quật, ngoài ra còn nhiều chiếc khác mà ngư dân khai thác chưa thể xác định được.

TS Khôi cho rằng, với địa hình Bình Châu có mũi đất nhô ra biển gọi là mũi Ba Làng An, thông thường vào mùa biển động gió bão thì thương thuyền từ Bắc hải hành xuống phía Nam không thể vượt qua, do đó phải neo trú tại Vũng Tàu. Có rất nhiều tàu cổ đắm trải qua nhiều niên đại khác nhau ở vùng biển Vũng Tàu có thể phản ánh trong giai đoạn lịch sử trước đây. Vũng Tàu có thể là nơi neo trú tàu thuyền đi lại trên biển để giao thương rất nhộn nhịp. Có một dòng chảy cổ khá lớn nối thông từ cửa Bàn Thủ vùng biển Vũng Tàu đi qua sông Châu Me vào cửa Sa Kỳ, không đi qua mũi Ba Làng An. Do vậy nó có vai trò vị trí rất quan trọng, giải quyết được sự thông thương của các tàu thuyền không thể đi qua được mũi Ba Làng An vào mùa gió bão.

Để quản lý tàu thuyền đi vào đường nước kênh lạch từ Vũng Tàu qua Sa Kỳ, người Chăm đã xây dựng một bờ lũy đá dài khoảng 700m, án ngữ cửa Bàn Thủ. Bờ lũy đá được xây dựng từ loại đá cuội biển có ở các gành, độ rộng lũy trung bình khoảng 3m. Chức năng của lũy này có thể bảo vệ cho sự an toàn tàu thuyền ra vào cửa Bàn Thủ, đồng thời quan sát quản lý, kể cả việc thu thuế của các phương tiện tàu thuyền ra vào. Đến nay TS Khôi đã có hơn 20 năm nghiên cứu về tàu cổ đắm. Ông cho biết: “Năm 1990, từ thông tin của người dân đã khảo sát phía Bắc đảo Lý Sơn, phát hiện tàu cổ chìm ở đây. Trên tàu đó, người dân đã mang hai con nghê đá và một số đá ballast là vật nặng để dằn giữ cho tàu, thuyền thăng bằng khi không chở hàng. Tại vùng biển này, chúng tôi tìm thấy xen lẫn trong cát, san hô là bãi gốm sứ vỡ, đồng tiền niên đại khoảng cuối thời Minh”.

Sau đó 9 năm, một tàu cổ dài 19m được tìm thấy ở độ sâu hơn 6m tại biển Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Tàu chở hàng hóa gốm sứ, đồ đồng, đồ đá, bột quế đựng trong các hộp chì. Di vật tàu cổ đắm thu được có 475 hiện vật, trong đó nhiều đồng tiền, đồ đồng, gốm sứ, một số bị cháy đen. Niên đại tàu cổ được xác định dựa vào hai đồng tiền Vạn Lịch thông bảo có từ khoảng năm 1573-1620. Năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, phát hiện gốm sứ trong tàu cổ đắm. Dấu tích khai quật sau đó cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có tiền thời Nguyên. Gốm sứ trên tàu thuộc đồ men ngọc celadon của lò Long Tuyền thế kỷ XIII và đồ gốm men nâu của các lò Phúc Kiến.

Cũng tại thôn Châu Thuận Biển, một tàu cổ đắm mới được phát hiện năm 2014, nhưng chưa được khai quật. Các hiện vật bị vỡ gồm các tô, bát, đĩa có niên đại đầu thế kỷ XVII. Năm 2017, ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tàu cổ đắm được phát hiện trong cảng Hào Hưng (Khu kinh tế Dung Quất), niên đại tàu thế kỷ XVII, thuộc thời Minh. Ngoài ra, còn nhiều tàu cổ đắm khác mà ngư dân khai thác âm thầm trước đây khi chưa có sự giám sát, quản lý của nhà nước. Qua các số liệu công bố, khu vực biển Quảng Ngãi có nhiều xác tàu cổ đắm được phát hiện nhiều nhất cả nước.

Những năm qua nhiều người trục vớt cổ vật bán, thu lợi cá nhân. Việc này trái với quy định vì theo luật phải giao nộp cho cơ quan nhà nước. Để quản lý việc thăm dò, trục vớt và xử lý tài sản chìm đắm đạt hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29 quy định mức chi thưởng cho tổ chức cá nhân phát hiện và giao nộp cổ vật. Việc này nhằm khuyến khích ngư dân trình báo các phát hiện tàu cổ đắm cho cơ quan quản lý. Ngoài ra, Nghị định 86 cũng đã nêu rõ chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước.

“Tàu cổ đắm ở Quảng Ngãi và các vùng biển khác của Việt Nam chứng tỏ lịch sử giao thương thịnh vượng. Tôi cho rằng nhà nước có thể lập bảo tàng tàu cổ đắm gồm cổ vật, hàng hóa trên tàu và xác các con tàu cổ đắm ở vùng biển Quảng Ngãi như Bình Châu, Bình Hải, Bình Thuận… Chúng ta có thể tổ chức tham quan trực tiếp hoặc trực tuyến, từ đó đưa các bài học về địa lý, lịch sử liên quan các con tàu đắm. Chính quyền có thể tổ chức tour lặn biển tại vị trí các tàu cổ đắm gần bờ như Bình Châu nhằm phát huy du lịch”, TS Khôi chia sẻ. 

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

Tin tức khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây