Đưa thổ cẩm Làng Teng đến gần với du khách

Từ bao đời nay, bà con đồng bào dân tộc Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) luôn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thổ cẩm Làng Teng đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, được du khách ưa chuộng. 
 
Đưa thổ cẩm Làng Teng đến gần với du khách
Chị Phạm Thị Sung đang ngồi dệt vải ở Khu bảo tồn văn hóa Hrê ở thôn Làng Teng

Các đây hơn 3 năm, cô gái người Hrê Phạm Thị Sung (SN 1992) ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ đã chọn khởi nghiệp mở một cửa hàng chuyên bán về thổ cẩm. Đây cũng là nơi đầu tiên trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm dệt của Làng Teng trong cộng đồng.

Buổi sáng, khi ông mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi trước làng, những cô gái đồng bào Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành miệt mài ngồi dệt thổ cẩm bên khung cửi. Những sản phẩm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Hrê có sức hút kỳ lạ đối với các du khách tham quan. Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi trong lúc đang dệt vải ở Khu bảo tồn văn hóa Hrê ở thôn Làng Teng chị Sung chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm ở đây được xem là nghề “mẹ truyền con nối”, con gái lớn lên phải biết dệt vải, chị cũng như bao cô gái đồng bào Hrê khác, ngay khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, mẹ của mình. Lúc 12 tuổi, chị đã có thể tự dệt cho mình những tấm vải để may quần áo và đồ dùng cá nhân. Chị mê dệt vải từ ngày ấy và có thể suốt ngày ngồi bên khung dệt.

Cô gái Hrê có giọng nói nhỏ nhẹ, với làn da trắng và nụ cười ấm áp khi đón khách đến tham quan khiến nhiều người đều cảm thấy ấm áp. Trước đây, chị từng được gia đình cho đi học tại Trường Đại học Quảng Nam, sau khi hoàn thành các cấp học ở trường huyện. Tốt nghiệp ra trường nhưng vì ngành học khó xin việc ở địa phương nên chị đành chấp nhận ở nhà, lập gia đình, chăm lo con cái như những cô gái Hrê khác. “Không thể hoang phí những năm tháng được cắp sách đến trường, tôi suy nghĩ mình phải làm một việc gì đó có ích cho Làng Teng, cho niềm đam mê, sở thích của bản thân và duy trì được nghề truyền thống bao đời nay của gia đình, của người Làng Teng. Ý tưởng mở một cửa hàng chuyên trưng bày, giao lưu các sản phẩm văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm đã xuất phát từ đó”, chị Sung cho hay.
 
Đưa thổ cẩm Làng Teng đến gần với du khách 2
Chị Sung đang hướng dẫn học sinh Trường Quốc tế IEC Quảng Ngãi dệt thổ cẩm

Chị kể, ngày trước dệt thổ cẩm của người Hrê làm ra chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hằng ngày và trong lễ hội ở địa phương, cách dệt rất đơn điệu. Vốn mê khung dệt từ nhỏ nên với tôi, giữ được nghề truyền thống của là cần thiết rồi, nhưng phải làm sao đa dạng được mẫu mã và giới thiệu rộng rãi để mọi người biết đến, điều đó khiến tôi luôn trăn trở. Cửa hàng có diện tích chỉ khoảng chừng 20m2 nhưng hội tụ đủ các sản phẩm truyền thống của người Hrê, từ đồ thổ cẩm nam, nữ, khố, vải điệu, khăn choàng, ví, túi xách đến các sản phẩm thủ công như rổ, mùng, nia, gùi, đục nỏ... đến cồng chiêng của người Hrê. Nơi đây không khác gì một “bảo tàng” văn hóa của người Hrê, đã có rất nhiều người ở địa phương, trong và ngoài tỉnh đến tham quan và ủng hộ. “Để bắt đầu xây dựng cho ý tưởng này, tôi có đến 3 năm để chuẩn bị, hoạch định, vẽ ra cho mình một ước mơ, lối đi hoàn hảo nhất. Vạn sự khởi đầu nan khi tôi làm cũng gặp thất bại vì hàng làm ra không đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ, không bán được. Dần dần, tôi tự nghiên cứu nắm bắt nhu cầu đa dạng từ thị trường cũng như khách du lịch và nghĩ ra mẫu mã mới. May mắn, tôi được người trong gia đình ủng hộ”, chị Sung nói.
 
Đưa thổ cẩm Làng Teng đến gần với du khách 3
Nơi trưng bày sản phẩm dệt của Làng Teng trong cộng đồng

Đối với các sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng đều do chính một tay của chị, mẹ và chị gái hằng ngày tự dệt nên. Mỗi một tấm vải cho bộ trang phục nam, nữ của người Hrê đều tốn đến khoảng 3 ngày và đan liên tục mới có nguồn hàng kịp cung cấp. Với giá bán bộ nữ truyền thống phụ thuộc vào hoa văn yêu cầu có giá từ 850 ngàn đồng - 1 triệu  đồng. Áo nam 600 ngàn đồng/áo. Khố truyền thống 900 ngàn đồng/tấm. Khăn 250 ngàn đồng/tấm, vải điệu bé 700 ngàn đồng/tấm ...  Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương và một số du khách đến với cửa hàng. Những năm trở lại đây, nhờ biết đến bán hàng qua mạng, chị Sung đã mở rộng kinh doanh và địa bàn tiêu thụ.

Du khách Nguyễn Thị Hiền cho biết, khi đến với cửa hàng trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng của chị Sung, chị rất thích túi xách, váy, khố, áo,… Sản phẩm dệt có hoa văn độc đáo tạo sức hút, lan tỏa đến với người tiêu dùng là rất lớn và giàu tiềm năng. “Một sản phẩm quà tặng lưu niệm về thổ cẩm có ý nghĩa rất lớn để khách tham quan nhớ đến kỷ niệm nơi họ từng đến. Việc phát triển sản phẩm quà tặng lưu niệm như thế này sẽ góp phần quảng bá du lịch hiệu quả mà còn giới thiệu những nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương nơi đây ngày càng phát triển”, chị Hiền nói. 
 
Đưa thổ cẩm Làng Teng đến gần với du khách 4
Sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng tại phiên chợ vùng cao

Theo ông Lê Cao Đỉnh, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Ba Tơ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành là một mô hình kinh tế có từ lâu đời, là tài sản quý giá của dân tộc, có những giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Giá trị văn hóa truyền thống làng nghề không chỉ giải quyết việc làm nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê ở làng Teng, được Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, điểm nhấn khi đến huyện Ba Tơ, du khách không chỉ về với vùng An toàn khu để tham quan Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt các địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gắn liền với một thời kỳ lịch sử cách mạng vẻ vang, mà còn tham quan địa danh nghề dệt thổ cẩm Làng Teng nổi tiếng. Ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nơi đây còn có các làn điệu dân ca, tiếng đàn, tiếng chiêng, lễ hội cầu mưa độc đáo.

“Sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của Phạm Thị Sung, không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hrê mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đồng bào Hrê ở địa phương. Những nỗ lực của người trẻ ở Làng Teng như chị Sung sẽ góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Ba Tơ”, ông Đỉnh bày tỏ.

Nguồn tin: Báo Văn Hóa

Tin tức khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây