Nghĩa Hành mở cửa đón khách
Nghĩa Hành là miền “đất mới” trong bản đồ du lịch Quảng Ngãi. Ở đó, người dân luôn đón khách bằng nụ cười nồng hậu. Người Nghĩa Hành luôn cảm thấy hạnh phúc khi được giới thiệu từ cảnh sắc, đến món ăn... của quê mình cho du du khách.
Những con đường rợp cây ăn quả, những vườn cây bonsai nối nhau chạy dọc dài tít tắp, chen vào đó là những địa điểm du lịch gói gọn trong vài chục phút di chuyển là những gì cảm nhận được của du khách khi đến với huyện Nghĩa Hành, một huyện vùng ven cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi chua đầy 10 km
Khám phá miệt vườn Quảng Ngãi
Một ngày cuối năm, anh Hà Thanh Quang, cán bộ Phòng Văn hóa và thông tin huyện Nghĩa Hành dẫn tôi đi khám phá Nghĩa Hành. Người cán bộ trẻ này chẳng khác nào hướng dẫn viên du lịch khi giới thiệu lịch sử, văn hóa, điểm du lịch... một cách thuần thục.
Quang bảo "Tôi chưa học du lịch ngày nào, chỉ là hướng dẫn viên làng, ở Nghĩa Hành có nhiều bạn trẻ chọn ở lại quê, giới thiệu làng mình cho du khách. Rất nhiều đoàn đến và khen quê đẹp, bà con hiếu khách, rồi họ về dẫn bạn bè trở lại khiến chúng tôi rất hạnh phúc".
Câu chuyện kể về quê hương của Quang xuyên qua những ngôi nhà vườn từ thị trấn Chợ Chùa về xã Hành Nhân. Đang cao trào bỗng chốc cắt ngang và thay thế bằng chuyện miệt vườn cây trái của Quảng Ngãi.
Thật bất ngờ khi vườn sầu riêng, chôm chôm, vải, mít, thanh long... nối nhau đến hút mắt. Ấn tượng nhất là trước sân nhà nào cũng có một vài cây ăn quả.
Dừng chân tại vườn trái cây của gia đình anh Đăng Quang (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân), tôi bất ngờ khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu của vợ chồng người nông dân này. Lang thang dưới những cành chôm chôm trĩu quả, anh Quang kể lịch sử ngôi làng cây trái hình thành khoảng 20 năm qua đang là điểm đến của khách thập phương.
Tiếng ô tô vang lên, xé toạc không khí thanh bình, một nhóm khách trẻ từ Đà Nẵng bước xuống đã ồ lên khi thấy vườn chôm chôm chín đỏ. Du khách Bình An kể đã đi đến nhiều điểm du lịch ở đây, đáng ra nhóm về lại Đà Nẵng, nhưng nghe Nghĩa Hành có miệt vườn trái cây nên quyết định ở lại thêm ngày nữa.
"Tuyệt vời, ở đây nhà nào cũng mở vườn đón khách, mời khách tự ra vườn hái và thưởng thức những loại trái cây. Nhưng đặc sản lớn nhất của Nghĩa Hành là con người nồng hậu. Một điểm khám phá và thư giãn tuyệt vời mà đến giờ chúng tôi mới biết. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn trở lại", chị An nói rồi khoe những bức ảnh mình chụp được trong chuyến khám phá Nghĩa Hành.
Anh Quang đã giới thiệu cho nhóm khách về những vườn trái cây trải khắp toàn huyện. Muốn ăn chuối tiến vua (chuối ngự) thì ghé Hành Thiện, Hành Tín Đông, khám phá bưởi, cam thì ghé Hành Dũng, thưởng lãm bon sai ghé ngay Hành Đức...
Nghĩa Hành là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, cuộc đổi thay vẫn tiếp diễn như sứ mệnh thay da đổi thịt cả vùng đất.
Dĩ nhiên, không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà từ trách nhiệm tâm huyết của cả bộ máy chính trị và người dân. Và du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng nông nghiệp là mục tiêu hướng đến.
Nghĩa Hành nổi tiếng là vùng cây trái OCOP. Sạch, an toàn là tiêu chí chính quyền hướng đến, người dân đồng tình.
Chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, chuối ngự là bốn loại trái cây đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nhà nhà làm du lịch
Vùng đất Nghĩa Hành quả đúng rất thú vị, càng khám phá càng mới mẻ, làng du lịch cộng đồng Bình Thành (xã Hành Nhân) đang nổi lên trên bản đồ du lịch.
Ngôi làng ấy từng một thời không mấy ai biết đến. Vậy mà chỉ trong mấy năm, ngôi làng quê mùa ẩn mình dưới thung sâu lại bước ra một cách rực rỡ.
Mong du khách có dịp ghé Nghĩa Hành thăm thú, nghỉ ngơi và góp ý để địa phương phát huy hết tiềm năng du lịch của mình
Hôm tôi ghé Bình Thành đúng dịp cô, trò trường mầm non Kites home (TP Quảng Ngãi) đến khám khá. Dù biết làng du lịch cộng đồng này qua mạng, nhưng khi đến đây, cô giáo Ngô Thị Mỹ Nữ phải thốt lên"Mình không ngờ nơi đây đa dạng sản phẩm du lịch đến vậy.
Các cháu được thăm thú vườn trái cây, được các ông bà trong làng hướng dẫn gói bánh su sê, bánh ít, rồi xem quá trình con tằm kết tơ...", Nữ nói.
Từ người trẻ đến người già cùng làm du lịch. Lúc cô hướng dẫn viên làng Huỳnh Thị Xuân Hoanh nhiệt tình giới thiệu điểm đến tiếp theo là trải nghiệm làm bánh cổ truyền, thì phía sau nhà, bà Trần Thị Nhơn (65 tuổi) và bà Hồ Thị Thiếp (55 tuổi) đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả công cụ, bước ra chào đoàn.
Chẳng hiểu vì sao có quá nhiều điều thú vị mà tận đến những năm gần đây huyện Nghĩa Hành mới được giới lữ hành khai thác. Bởi nằm cạnh TP Quảng Ngãi và giao thông cực kỳ thuận lợi.
Nếu lấy Bình Thành làm trung tâm thì đi chừng 20 phút sẽ đến hầu hết các điểm du lịch sinh thái trong và ngoài huyện, như: kết nối với điểm sinh thái Kalanui (xã Hành Dũng) về hướng Tây; điểm du lịch sinh thái thác Savan (xã Long Sơn, huyện Minh Long) về hướng Tây Nam; điểm du lịch Thác trắng (huyện Minh Long) về hướng Nam; khu du lịch sinh thái Suối Chí (xã Hành Tín Đông) về hướng Đông Nam. Mà việc kết nối ấy giao thông rất tiện, xe 45 chỗ chạy bon bon trên đường.
Nếu các xã Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Đức... là điểm du lịch cộng đồng thú vị với những con đường làng rợp hoa và vườn xanh mướt, thì khu du lịch sinh thái Suối Chí là điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi, thưởng thức những món ăn dân dã.
Vào những ngày hè nóng bức, thì Suối Chí sẽ là lựa chọn lý tưởng của du khách để đắm mình vào thiên nhiên mát lành...
Vậy đấy, Nghĩa Hành như điểm hội tụ của di tích, cảnh quan... chỉ cần du khách ghé đến sẽ được người dân nhiệt tình đón và chỉ dẫn.
Nguồn tin: tuoitre.vn
Tin tức khác